NỘI DUNG DẠY HỌC MĨ THUẬT THEO PHƯƠNG PHÁP
ĐAN MẠCH
---------------
“Các em học sinh khi tới trường giống như những cây non có rễ cứng cáp và đầy tiềm năng. Giáo viên chỉ đóng vai trò là những người thúc đẩy, biết cần phải thêm chất xúc tác gì vào nước tưới để giúp những cây non đó phát triển”, đó là thông điệp bà Kirsren Fugl, chuyên gia tư vấn Đan Mạch.
Mục tiêu chính của phương pháp này nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực:
+ Năng lực trải nghiệm: Cho các em được làm việc với những chủ đề liên quan đến kinh nghiệm đã có của bản thân.
+ Năng lực kỹ năng và kỹ thuật thông qua các hoạt động : Vẽ cùng nhau, chân dung biểu đạt, vẽ theo nhạc, tạo hình từ vật tìm được, nặn hoặc uốn tạo dáng, xây dựng cốt truyện(xây dựng bối cảnh câu chuyện).
+ Năng lực biểu đạt: Có nghĩa là học sinh ứng dụng ngôn ngữ mĩ thuật để diễn đạt sự trải nghiệm và thái độ của bản thân.
+ Năng lực phân tích và trình bày: Thông qua các hoạt động trình bày về tác phẩm của mình, tham gia giải thích, phân tích, nhận xét về nghệ thuật, kỹ thuật thể hiện tác phẩm.
+ Năng lực giao tiếp và đánh giá: Học sinh tham gia giao tiếp, thảo luận và đánh giá tất cả các hoạt động trong tiết Mĩ thuật, đánh giá những gì đã làm được, có như mong muốn hay không?
II. NỘI DUNG
- Điểm nổi bật của phương pháp dạy học này là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy mà kết hợp nhiều kỹ thuật trong một bài dạy. Nội dung chương trình giáo dục Mĩ thuật theo phương pháp mới không theo trình tự các bài như chương trình hiện hành, mà giáo viên căn cứ vào đó để xây dựng các chủ đề cho phù hợp. Mỗi chủ đề tạo thành một quy trình mỹ thuật tương tác và tích hợp giữa 5 nội dung: Vẽ theo mẫu, Vẽ trang trí, Vẽ tranh, Tập nặn tạo dáng, Thường thức Mỹ thuật. Mỗi chủ đề sẽ lồng ghép giáo dục nhiều mục tiêu và được thực hiện ít nhất là 2 tiết, nhiều nhất là 5 tiết hoặc cũng có thể hơn.-
- Đây là một chương trình giáo dục Mĩ thuật Tiểu học năng động, phát huy, rèn luyện được nhiều kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng sống, một sự thay đổi lớn cả về phương pháp lẫn mục tiêu giáo dục của bộ môn Mĩ thuật ở Tiểu học. Ngoài việc thay đổi nội dung phân phối chương trình, sự thay đổi hình thức tổ chức lớp học phần lớn được thông qua hoạt động nhóm.
III. HÌNH THỨC TỔ CHỨC LỚP HỌC
Hình thức tổ chức lớp học chủ yếu là thực hành theo nhóm, cần không gian rộng để học sinh có thể vận động và di chuyển. Phải có nơi trưng bày tranh, sản phẩm để học sinh dễ dàng quan sát, nhận xét, đánh giá.
Các quy trình dạy học mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch
- Theo phương pháp mới, mỗi chủ đề sẽ thực hiện bằng nhiều quy trình mĩ thuật khác nhau, giáo viên hoàn toàn không hướng dẫn học sinh thực hành mà chủ yếu do học sinh tự tìm hiểu vấn đề
Gồm 7 Quy trình dạy - học mĩ thuật thử nghiệm, trong đó đề cao tính nghệ thuật và giáo dục thẩm mĩ:
1. Vẽ ký họa dáng (người/vật): Quy trình Vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện
2. Vẽ theo mẫu (chân dung /vật thể): Quy trình Vẽ biểu cảm
3. Vẽ trang trí (Làm bìa sách, bưu thiếp, giấy mời…): Quy trình Trang trí và vẽ tranh qua âm nhạc
4. Hình ảnh các nhân vật được xé, cắt dán, tạo hình 3D để tạo một chủ đề có cốt truyện: Quy trình Xây dựng cốt truyện
5. Các hình khối được tạo ra từ vật tìm được, dây thép, đất nặn, giấy bồi… và được kết nối với nhau trong một không gian nhất định: Quy trình tạo hình 3D tiếp cận theo chủ đề
6. Các nhân vật được tạo hình từ các vật dụng tìm được và câu chuyện được phát triển theo chủ đề: Quy trình Điêu khắc - Nghệ thuật tạo hình không gian (Nghệ thuật sắp đặt/ hoạt cảnh/ biểu diễn và sắm vai)
7. Tạo hình các con rối và tạo ra một buổi trình diễn ấn tượng: Quy trình “Tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn”
Cả 7 quy trình này đều được xây dựng chung một cấu trúc:
• Thảo luận và làm quen với chủ đề.
• Quy trình được chi tiết từ đầu tới cuối thông qua mô tả thực tế các bước khác nhau của một quy trình, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn các quy trình nói trên để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục mĩ thuật.
• Có thể có những thay đổi linh hoạt hoặc cân nhắc khác cho quy trình cụ thể ở thực tế. Những quy trình dạy - học Mĩ thuật này không phải là công thức cố định mà chúng ta phải làm theo. Những quy trình này tạo cảm hứng cho giáo viên và nó còn có thể điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế tại địa phương. Giáo viên có thể phát triển khả năng của học sinh ở các mức độ khác nhau trong các quy trình này như khả năng trải nghiệm, sáng tạo, biểu đạt, giao tiếp và đánh giá.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn